Bên cạnh đó, cơ quan chức năng tỉnh Cà Mau quan tâm công tác quản lý, bảo vệ rừng phòng hộ ven biển, tuyên truyền để người dân có ý thức bảo vệ rừng. Nhờ đó, thời gian gần đây tình trạng phá rừng phòng hộ giảm đi đáng kể. Cùng kỳ năm trước mỗi ngày, hàng chục vụ vi phạm rừng bị phát hiện nay trong một tuần không phát hiện vụ vi phạm nào.
Ông Trần Tuấn, nguyên Giám đốc Vườn quốc gia Mũi Cà Mau cho biết, vào thời điểm những năm 90, trước áp lực phá rừng phòng hộ nuôi tôm, lực lượng bảo vệ vườn quốc gia mất ăn mất ngủ. Nhưng nay, mọi chuyện đã khác, người dân ý thức hậu quả của phá rừng, bà con tích cực tham gia với chính quyền trồng rừng.
Làm tốt bảo vệ và trồng rừng mới nên rừng phòng hộ ven biển tỉnh Cà Mau đang được hồi phục, góp phần giữ cân bằng môi trường thiên nhiên, đồng thời chống sạt lở đê biển hiệu quả.
Theo ông Nguyễn Văn Chính, người dân xã Viên An huyện Ngọc Hiển, trồng rừng trước hết đem lại lợi ích cho người dân. Bởi có rừng đê biển không bị sạt lở, cải thiện môi trường. Hàng năm, ông Chính tích cực tham gia trồng rừng.
Tỉnh Cà Mau có bờ biển dài tới 252 km, phía Đông giáp tỉnh Bạc Liêu, phía Tây Nam giáp ranh tỉnh Kiên Giang. Diện tích rừng phòng hộ ven biển của Cà Mau 30.000 ha. Cây rừng phòng hộ ven biển chủ yếu là cây mắm, cây đước, cây vẹt…có sức chống chọi với sóng biển tốt. Nơi nào rừng phòng hộ phát triển tốt nơi đó ít bị sạt lở và ngược lại.